Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng: Càng về đích càng ‘nóng’

author 12:11 14/03/2016

(VietQ.vn) - Không chỉ ngân hàng SHB được nhắc tới trong việc chạy đua giải ngân gói 30.000 tỷ đồng trước thời hạn mà TPBank cũng “cuống cuồng” gấp rút.

Cùng chạy đua

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ vay mua nhà ở, việc giải ngân gói tín dụng này kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 3 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (1/6/2013). Thông tư 32/TT-NHNN ngày 18/11/2014 của NHNN cũng nêu rõ, lãi suất của gói vay 30.000 tỷ là 5% năm trong năm đầu, các năm tiếp theo bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm và áp dụng tối đa 10 năm. Sau thời điểm 1/6/2023, áp dụng lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động vốn kỳ hạn 12 tháng trả lãi sau của ngân hàng cộng 2%/năm. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của người dân liên qua đến vấn đề này, dẫn Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, NHNN cho biết, phần dư nợ vay giải ngân sau ngày 1/6/2016 áp dụng lãi suất vay thương mại thông thường do khách hàng và ngân hàng cho vay tự thỏa thuận.

Chính vì sau ngày 1/6/2016, lãi suất đối với phần vốn vay chưa giải ngân hết sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng lên, không có lợi cho người vay, do đó, đã có hiện tượng chủ đầu tư, ngân hàng tìm cách “lách” quy định này bằng cách giải ngân trước hạn, khi dự án chưa hoàn tất việc xây dựng. 

Trong bài trước, Chất lượng Việt Nam đã nhắc tới ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) khi bị chủ đầu tư Dự án Thăng Long Victory - Công ty Phúc Hà đẩy trách nhiệm về việc giải ngân trước thời hạn. Trách nhiệm thực sự trong vụ việc này đến đâu, SHB sẽ phản hồi trong thời gian gần nhất.

Ở bài này, PV xin trích dẫn thông tin từ BizLIVE có nhắc đến ngân hàng Tiên Phong (TPBank).  

Tại lễ mở bán dự án Gemek Premium hơn 1 tháng trước, hiện tượng nhân viên sàn giao dịch “rỉ tai” khách hàng về chiêu “lách luật” để được hưởng ưu đãi vay vốn mua nhà từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là có thật. Theo đó, chủ đầu tư sẽ hỗ trợ từ A – Z cho khách hàng để hưởng trọn vẹn ưu đãi này khi dự án được phối hợp với TPBank.

Còn về phía ngân hàng, sau khi người mua nhà (là PV) đưa ra bộ hồ sơ đã qua thẩm định đạt điều kiện, nhân viên TPBank cho biết: Nếu đúng theo tiến độ, dự án Gemek Premium sẽ không được hưởng gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, để hóa giải điều này, nhân viên ngân hàng khẳng định, “TPBank và chủ đầu tư đã “bắt tay” chiến lược đề ra chương trình hỗ trợ tối đa cho khách hàng”.

Cụ thể, cách thức mà TPBank luồn lách là: Tổng giá trị căn hộ thực tế người mua phải trả là 1,116 tỷ đồng nhưng tổng giá trị trên hợp đồng mua bán khi đến tay họ thẩm định sẽ chỉ được thể hiện là…1,023 tỷ đồng.

Sau đó, người mua phải đóng 3% tổng giá trị căn hộ đã bóc tách (khoảng 35 triệu đồng) cho chủ đầu tư rồi mở 1 tài khoản ngân hàng trị giá trên 160 triệu đồng - tương đương 17% mang tên người mua nhà tại ngân hàng TPBank.

Lúc này ngân hàng sẽ xác nhận người mua đã hoàn thành 20% đóng tiền đợt 1 và cấp thông báo cho vay cũng như xác nhận số tiền đã đóng cho chủ đầu tư để ra hợp đồng mua bán. Ngay lập tức ngân hàng sẽ giải ngân cho người mua đến đợt 5 với 67% trước ngày 1/6 (tương đương mốc thi công dự án ở tầng 34).

Rõ ràng, với cách thức giải ngân kiểu như TPBank, khách hàng sẽ bị đặt trước những nguy cơ không thể lường hết bởi trong khi chủ đầu tư đã được nhận hết tiền để thi công dự án, còn người dân thì chỉ biết ngồi chờ trong thế “nắm đằng lưỡi”. Số tiền trọn gói đó, có ai dám chắc, chủ đầu tư sẽ dùng vào việc hoàn thiện dự án một cách nhanh nhất, hay sẽ dùng vào việc gì trong bối cảnh tình hình dự án “rùa bò” nói chung?

Gói 30.000 tỷ sắp dừng: Càng về đích càng ‘nóng’Chủ đầu tư dự án Gemek Premium "bắt tay" cùng TPBank chạy đua giải ngân gói 30.000 tỷ đồng

Sẽ ‘trảm’ ngân hàng làm sai

Trao đổi với báo chí ngày 11/3 mới đây, ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cam kết xử lý nghiêm các ngân hàng làm sai, không đúng chủ trương của Chính phủ, NHNN trong việc thực hiện gói 30.000 tỷ đồng.

Thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng sắp kết thúc, các khoản tiền giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ phải chịu lãi suất thương mại theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng. Tuy nhiên, trước đó rất nhiều nhà băng không ghi rõ thời điểm kết thúc gói ưu đãi trên trong các hợp đồng tín dụng của mình với khách hàng. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn đưa vào trong hợp đồng điều khoản rất mập mờ như ghi “áp dụng không vượt quá thời điểm 1/6/2031” để người dân nghĩ rằng đã vay là được hưởng lãi suất ưu đãi  đến tận năm 2031.

Thừa nhận tình trạng trên, ông Nguyễn Tiến Đông cho biết sẽ kiểm tra lại và xử lý. Vị này cung cho biết thêm, trong Thông tư số 11/2013/TT-NHNN về quy định cho vay hỗ trợ nhà ở theo chỉ đạo của Chính phủ đã nêu rõ: NHNN thực hiện giải ngân khoản cho vay tái cấp vốn khoảng 30.000 tỷ đồng đối với các ngân hàng trên cơ sở dư nợ cho vay của ngân hàng đối với khách hàng, nhưng tối đa không quá 36 tháng kể từ ngày thông tư có hiệu lực thi hành (vào ngày 1/6/2013).

“Chúng tôi cũng đã yêu cầu các ngân hàng phải ghi rõ thời điểm kết thúc giải ngân là 1/6/2016, đồng thời giải thích trên một số phương tiện truyền thông trong suốt quá trình triển khai chính sách. Ngân hàng nào cố tình mập mờ, làm sai thì NHNN sẽ cho kiểm tra lại và nếu phát hiện có vi phạm, sai phạm thì ngân hàng đó phải chịu trách nhiệm”, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nói.

Như vậy, riêng về việc này, nhiều ngân hàng đã không làm đúng theo chỉ đạo của NHNN.

Thế nhưng, đó chỉ là vấn đề hậu kiểm, còn ngay lúc này đây, không ít người dân đã dính “bẫy” bởi đã trót thì phải theo. Theo tiến độ một số dự án, nếu vẫn còn vài trăm triệu đóng cho các đợt mua nhà tiếp theo sau ngày 1/6/2016 thì khả năng chịu mức lãi suất thương mại thỏa thuận như trong hợp đồng trước đó có thể cao chót vót, có khi lên tới 12 – 13%/năm. Với mức lãi suất này, người thu nhập thấp có cố cũng không kham nổi.

Thừa nhận việc này nhưng ông Nguyễn Tiến Đông cũng cho biết, áp lực về lãi suất cao sau ngày 1/6 sẽ không nhiều bởi 6 tháng trước các ngân hàng mới giải ngân được 11.000 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại con số giải ngân lên tới hơn 20.000 tỷ đồng trên tổng số 28.884 tỷ đồng cam kết cho vay. Tốc độ giải ngân càng về cuối càng nhanh và từ nay đến 1/6/2016, gói 30.000 tỷ đồng sẽ đạt được mục tiêu đặt ra. Điều này có nghĩa là gói 30.000 tỷ sẽ chấm dứt đúng thời điểm “cạn” tiền chứ không phải vấn đề về thời gian.

Vị này đồng thời cũng trấn an thêm, NHNN sẽ yêu cầu các NHTM báo cáo tất cả các hợp đồng tín dụng, biểu mẫu… đã ký kết với khách hàng. Sau khi kiểm tra, NHTM nào mập mờ, đưa ra điều khoản không rõ ràng sẽ xử lý nghiêm và công khai trước dư luận.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang